Động kinh

Chủ nhật, 20/01/2019 - 09:36 PM
Động kinh

1Bệnh động kinh là gì?

Tên gọi khác: giật kinh phong, phong xù, kinh giật.

Bệnh động kinh là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng hoạt động phóng điện quá mức và đồng thời của các tế bào thần kinh ở não (có thể khu trú hoặc lan toả), biểu hiện lâm sàng bởi những cơn đột ngột, nhất thời và có tính chất lặp lại.

Lưu ý, trường hợp có nhiều cơn động kinh trong bệnh cảnh một bệnh lý cấp tính (viêm não, nhiễm độc cấp…) thì không được gọi là bệnh động kinh. Nói cách khác, bệnh động kinh được định nghĩa bởi sự lặp lại trên cùng một đối tượng các cơn động kinh tự phát.

2Triệu chứng bệnh động kinh

Biểu hiện của bệnh động kinh sẽ phụ thuộc vào vùng vỏ não bị kích thích, bị ảnh hưởng. Bệnh có thể xảy ra với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, mà ta không đoán và biết trước được.

Triệu chứng của bệnh động kinh thường gặp là co giật. Ban đầu người bệnh sẽ chỉ co giật một phần hoặc một bộ phận như tay, chân, mắt sau đó là toàn bộ cơ thể. Người bệnh bị sùi bọt mép, mắt trợn, môi tím, mất ý thức trong cơn, sau cơn thường thở nhanh tăng thông khí, có thể tiêu tiểu mất tự chủ, đôi khi có thể yếu liệt ½ người tạm thời (liệt Todd)…

Triệu chứng cũng có thể là ngửi thấy mùi khó chịu, hoặc miệng có vị đắng, tanh. Tim đập nhanh, đột ngột hạ huyết áp, giãn hoặc co đồng tử, cơn co giật lập lại nhiều lần và mỗi lần khoảng từ 2 – 3 phút.

Hay triệu chứng sững sờ, nhìn chằm chằm vào một chỗ hoặc tự nói chuyện hoặc miệng nhai chóp chép…

Khi bệnh trở nặng bệnh nhân sẽ không tự chủ được, mất dần ý thức, không kiểm soát được hành vi của mình.

Về lâu dài, bệnh động kinh không kiểm soát tốt sẽ làm thay đổi tính cách của người bệnh, chậm phát triển thể chất, sa sút trí tuệ hoặc gây chấn thương nặng do té ngã.

Lưu ý: khi bệnh nhân biểu hiện co giật, đầu tiên chúng ta nên giúp đỡ tránh cho bệnh nhân bị té ngã chấn thương. Nếu bệnh nhân có tăng tiết đàm nhớt thì cho nằm nghiêng, lấy dị vật trong miệng (nếu có).

Bệnh nhân bị co giật không thể tự cắn đứt lưỡi do đó tuyệt đối không nên nhét đồ vật hoặc ngón tay vào miệng bệnh nhân vì có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân (chấn thương vùng răng miệng hoặc nuốt/hít phải dị vật).

3Nguyên nhân bệnh động kinh

Hầu hết các bệnh động kinh đều không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên các bác sĩ sẽ cố gắng phân tích những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh động kinh.

Do cuộc sống hằng ngày, người bệnh không cẩn thận gây ra những tổn thương ảnh hưỡng đến não như: chấn thương sọ não hoặc vùng đầu một phần do tai nạn hoặc trong khi sinh.

Sau những cơn đột quỵ, hoặc sốt cao, co giật lập lại nhiều nhiều..

Não bị nhiễm trùng như viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản…, làm não bị tổn thương nghiêm trọng.

Người bệnh thường sử dụng ma túy, uống rượu bia, hay những loại thuốc chống trầm cảm, an thần ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ hay sự bất thường của các yếu tố hóa học Na+, K+,..

Trong đó những thay đổi bất thường của não ngay khi trong bào thai, khối u, .. đều không rõ nguyên nhân.

Yếu tố di truyền chiếm 10-25% các trường hợp động kinh toàn thể nguyên phát. Nếu trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh, thì thế hệ sau cũng có thể mắc bệnh, tỷ lệ khoảng 2.5-6 %. Nếu cả cha và mẹ đều bị bệnh thì khả năng con mắc bệnh động kinh là 25%.

4Chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh

Chẩn đoán bệnh động kinh

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thần kinh kết hợp hỏi tiền sử, bệnh sử về triệu chứng cơn động kinh. Trong trường hợp bệnh nhân bị mất ý thức trong cơn, triệu chứng được ghi nhận thông qua lời kể lại của thân nhân hoặc người chứng kiến hoặc quan sát trực tiếp cơn động kinh khi theo dõi điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán như điện não đồ, MRI sọ não, các xét nghiệm máu hoặc chọc dò tuỷ sống nếu nghi ngờ bệnh lý nhiễm trùng thần kinh.

Mục tiêu của việc chẩn đoán nhằm xác định bản chất cơn động kinh, phân loại cơn động kinh và các hội chứng động kinh nhằm giúp ích cho việc điều trị.

Điều trị bệnh động kinh

Nếu bệnh động kinh tìm được nguyên nhân thì cần điều trị nguyên nhân. Điều trị chủ yếu bệnh động kinh bằng thuốc chống động kinh. Trong một số trường hợp kháng thuốc thì các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật thần kinh, chế độ ăn Ketogenic…sẽ được xem xét.

Mục tiêu điều trị là kiểm soát tối đa cơn động kinh (lý tưởng nhất là hết hoàn toàn cơn động kinh) với tác dụng phụ tối thiểu của thuốc nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Việc lựa chọn thuốc tuỳ theo đặc điểm lâm sàng của từng loại cơn động kinh và cần tối ưu hoá cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Thường khởi đầu điều trị với một loại thuốc chống động kinh. Trong trường hợp bệnh nhân vẫn chưa kiểm soát được cơn động kinh thì cần phối hợp thêm thuốc.

Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị chặt chẽ. Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân theo dõi đáp ứng điều trị và làm giảm nhẹ các tác dụng phụ ngoài ý muốn của thuốc có thể xảy ra.

Việc điều trị cần duy trì liên tục tối thiểu 5 năm. Nếu bệnh nhân không còn cơn động kinh có thể xem xét ngưng điều trị theo kế hoạch chặt chẽ. Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ chuyên khoa thần kinh khi muốn ngưng thuốc. Tỷ lệ tái phát sau khi ngưng thuốc vào khoảng 30%.

Một số bệnh động kinh có thể được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.

5Phòng ngừa bệnh động kinh tái phát

Tránh làm việc quá sức, giảm căng thẳng, không hút thuốc lá, uống rượu bia. Trường hợp bệnh nhân chưa kiểm soát được cơn động kinh cần tránh những công việc có thể gây nguy hiểm như tự lái xe một mình, trèo cao, tắm ao hồ, làm việc gần nơi có lửa dễ gây phỏng (đầu bếp…).

Hạn chế xem các chương trình TV có ánh sáng chớp tắt liên tục.

Các thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó bệnh nhân khi muốn có thai cần thảo luận trước với bác sĩ.

Bệnh nhân động kinh thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về tình trạng bệnh của mình do vậy gia đình và bạn bè nên có thái độ thông cảm, động viên, chia sẻ để người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống.

Động kinh là bệnh mạn tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi bị bệnh, người bệnh thường biểu hiện co giật, ngất, sùi bọt mép, hoặc nói chuyện một mình, thay đổi hành vi, cáu gắt, vui buồn thất thường. Nên đưa ngay đến các sơ sở y tế để kịp thời điều trị kiểm soát cơn động kinh. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị. Ngoài ra chúng ta nên có thái độ giúp đỡ, động viên, ân cần chăm sóc và quan tâm thì trạng thái tâm lý của người bệnh sẽ ổn định hơn.

(Hình ảnh tổng hợp từ benhdongkinh.org, healthplus.vn, google,...)

*
*

Bệnh Thần Kinh liên quan

Công ty TNHH Thương Mại Y Tế Xanh
GPKD số 0316326671 do Sở KH và ĐT TP Hồ Chí Minh cấp ngày 16/06/2020
GĐ/Sở hữu website Trần Văn Quang
Địa Chỉ: 114D Bạch Đằng, - Phường 2 - Quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh.
Email: lienhe@chothuocxanh.com
Tel: 0818 00 66 99
Website: www.chothuocxanh.com

© Bản quyền thuộc về Chothuocxanh.com

Hiệu quả của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
Sản phầm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Công ty TNHH TM Y Tế Xanh chỉ phân phối thuốc cho các nhà thuốc theo hợp đồng, chúng tôi không trực tiếp bán hàng cho các cá nhân. Quý khách hàng liên hệ với các nhà thuốc để được hướng dẫn và tư vấn chi tiết. Việc sử dụng thuốc và chữa bệnh phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

0818006699

Back to top